Tôi biết đến hồ Toba khá ngẫu nhiên khi trên ứng dụng của hãng hàng không AirAsia hiện lên sân bay Lake Toba - Silangit. Lúc ấy trong tôi chỉ thắc mắc "hồ gì mà lại phải mở hẳn một sân bay để đón du khách vậy nhỉ?".

Lake Toba là một hồ nước núi lửa lớn nhất thế giới, nằm trên đảo Sumatra của Indonesia, được hình thành từ vụ phun trào núi lửa cách đây 30.000-75.000 năm. Hiện nay, người dân ở đây cũng đã bắt đầu mở những tuyến xe đưa khách du lịch từ sân bay Silangit đến Lake Toba nên việc di chuyển đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Từ sân bay Silangit đến hồ, tôi và bạn đồng hành đã dự tính đến phương án đắt nhất là đi taxi, nhưng may thay sau khi hạ cánh, đi lung tung ở trong sân bay thì đã tìm được xe bus đến Pangururan, và từ Pangururan chuyển bus đến hồ Toba.

=> Xem thêm: Xe jeep Mũi Né

Tuyến xe bus này mới được đưa vào hoạt động nên khung giờ còn giới hạn, nhưng điểm cộng là các anh chị nhân viên vô cùng nhiệt tình. Vé xe cho mỗi người là 60.000 Rp (khoảng 90.00 đồng). Xe bus 16 chỗ này chạy khoảng 3 tiếng, xe đưa chúng tôi đến Pangururan, dọc đường có được nghỉ khoảng 15 phút.
Đoạn đường đến hồ Toba quả thật gian nan. Tôi có thể lực tốt vậy mà lúc xe lượn đường núi, nhắm mắt ngủ mà vẫn cảm giác nôn nao.

Đến nơi, sau khi tìm hiểu, so sánh, chúng tôi quyết định đặt phòng ở Romlan, lý do duy nhất là khách sạn này có Wi-Fi dùng được trong phòng, giá khoảng 250.000 đồng/phòng/đêm. Điểm cộng nữa là cảnh đẹp, hướng thẳng ra hồ, với một góc sân nhỏ phía dưới được kê ghế nằm khiến cho tôi cảm giác như đang nằm hưởng thụ ở một bãi biển nào đó chứ không phải là hồ nữa.

Ở làng Tuk Tuk này, người dân đa phần theo đạo Thiên chúa, nên các bạn sẽ được thoải mái ăn thịt lợn và không lo về vấn đề trang phục như khi đi đến các thành phố khác của Indonesia -những nơi đa số người dân theo đạo Hồi.

Ngày thứ hai, chúng tôi quyết định thuê xe máy, dù được cảnh báo là khá nguy hiểm vì đường núi có nhiều khúc cua. Một số điểm thăm quan nổi tiếng gồm khu mộ của vua Sidabutar, làng Tomok, bảo tàng Huta Bolon Simanindo, suối nước nóng với giá vé vào tắm ở đây là 10.000 Rp, thác nước Air Terjun Nai Sogop tuyên đẹp, bao quanh là núi đồi, mây trắng, trời xanh.

Anh Ramet, hướng dẫn viên đi cùng đưa chúng tôi lên trên đỉnh núi Pusuk Buhit, nơi đang xây dựng khu vực làm việc của chính phủ. Ở đây có cả một vườn hoa dã quỳ mọc hoang, và phóng tầm mắt nhìn được xuống khung cảnh phía dưới. Thơ mộng đến không thốt nên lời!

Sau khi ăn tối tại khách sạn, chúng tôi nghĩ đến chuyện sẽ trở về sân bay như thế nào! Vì chuyến bay của chúng tôi lúc 10h45, mà 7h mới có chuyến bus sớm nhất từ hồ Toba ra Parungrugan, chúng tôi sẽ bị trễ giờ bay. Anh Ramet gợi ý cho chúng tôi đi tàu từ hồ Toba ra Parapat và bắt taxi, nhưng giá sẽ chẳng dễ chịu tí nào, tới tận 600.000 Rp tiền xe taxi cho 2 người.

May thay có cô người Malaysia chạy tới hỏi chúng tôi sẽ đi ra sân bay như thế nào, vì cô ấy và bạn cũng bay cùng chuyến với chúng tôi về thủ đô Kuala Lumpur. Cô ấy đã hỏi được taxi với giá chỉ 400.000 Rp/xe và hỏi liệu chúng tôi có muốn đi chung. Vậy là chúng tôi gật đầu luôn mà không cần suy nghĩ.

Gánh nặng duy nhất trong lòng chúng tôi cũng được giải toả. Và chúng tôi sẽ được ở lại hồ Toba thêm 1 ngày nữa chứ không phải vội vàng về sớm.

Hôm sau, chúng tôi thuê 2 xe đạp với giá 25.000 Rp/xe để chạy lòng vòng quanh hồ Toba. Nhưng đường núi quá khó đạp xe, chúng tôi đạp được tầm 5 phút thì đành phải nghỉ vì quá mệt. Ngồi cafe tầm 2 tiếng, chúng tôi về hồ phía trước khách sạn nằm chơi, ca hát và thưởng thức từng đợt gió hiu hiu thổi. Một cảm giác thật nhẹ nhàng, sảng khoái sau chuỗi ngày làm việc mệt mỏi.

Chúng tôi hoàn toàn mãn nguyện với chuyến đi đến hồ Toba lần này. Trước khi đi, cả tôi và bạn đồng hành đều không kì vọng quá nhiều vì chúng tôi có quá ít thông tin về điểm đến mới mẻ này. Nhưng những ấn tượng mà hồ Toba mang lại quả thực đã vượt qua kì vọng.

Hy vọng thời gian tới, hồ Toba sẽ được nhiều người biết tới hơn và trở thành một điểm đến đáng chú ý trong "danh sách nhất định phải đi" của các bạn trẻ.

=> Xem thêm: Đồi cát vàng Mũi Né

Nguồn: Sưu Tầm