Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến thanh khoản trên thị trường bất động sản hiện nay là mất cân đối phân khúc nhà ở. Chuyên gia cho rằng, thời gian tới, phân khúc dẫn dắt thị trường vẫn là nhà ở hợp túi tiền.
Phát triển phân khúc nhà ở hợp túi tiền đang là định hướng cho thị trường bất động sản thời gian tới. (Ảnh: Int)
Căn hộ hợp túi tiền “biến mất”

Câu chuyện mất cân đối cung – cầu đã được nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản (BĐS) thôngtin từ hồi năm 2020. Đơn cử như ngay từ quý III/2020, Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã cho biết, hiện trên thị trường TP. HCM không thấy dự án bình dân nào mở bán, phân khúc này gần như “biến mất”. Còn tại Hà Nội, từ năm 2018– 2020 xuất hiện lẻ tẻ vài dự án căn hộ hợp túi tiền; tuy nhiên cho đến nay cũng gần như “biến mất” phân khúc này khỏi thị trường.

Số liệu của Bộ Xây dựng trước đó cũng chỉ rõ, thị trường mất cân đối trong quan hệ cung - cầu BĐS. Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp chỉ chiếm từ 20 - 30%, nguồn cung nhà ở dạng này lại chiếm hơn 65% sản phẩm và đang dư thừa khoảng 70 - 100 triệu m2 sàn. Đối lập, dự án nhà ở thương mại bình dân, giá rẻ dưới 25 triệu đồng/m2 lại thiếu trầm trọng.

Số liệu của Savills Việt Nam cũng ghi nhận sự mất cân đối giữa nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Sự sụt giảm này đến từ một vài nguyên nhân, thứ nhất là nguồn cung mới cho thị trường rất nhỏ giọt, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước, khoảng 2.500 căn hộ. Tỷ lệ hấp thụ cũng chỉ ở mức 20% so với mức độ thông thường là 60-70% trước đây. Tỷ lệ hấp thụ cao của những năm trước được thúc đẩy bởi nguồn cung ở phân khúc nhà ở hạng C với giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, đến nay xu hướng này đã thay đổi với 80% nguồn cung đến từ phân khúc hạng A và B, chỉ có 20% là căn hộ hạng C phù hợp với nhu cầu chính của thị trường.

Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, nhu cầu nhà ở của Việt Nam hiện nay rất lớn do tốc độ đô thị hoá đang phát triển đạt tới 47%. Trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước với quá trình đô thị hóa.

“Trong khi đó nguồn cung hạng C đang thiếu hụt khi các chủ đầu tư chạy theo các sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Vì vậy, chắc chắn nhu cầu căn hộ hạng C sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài”, ông Troy phân tích thêm.

Một thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng nhà ở diện tích từ 60 – 80 m2 chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 22%; số hộ có nhà ở dưới 25 m2 chiếm khoảng 8%; số hộ có nhà ở diện tích hơn 100 m2 tại đô thị chiếm 30%. Điều đó cho thấy khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặt ra thách thức cho mục tiêu tăng diện tích ở bình quân mà vẫn bảo đảm được diện tích sống tối thiểu phù hợp cho mọi người dân.

Các chuyên gia nhận định, phân khúc nhà ở hướng tới người mua thực sẽ dẫn dắt thị trường 2023 và các năm tới. Trong đó, các dự án nhà ở xã hội với giá 1-2 tỷ đồng/căn được mong chờ và dự báo sẽ tạo thành cú hích cho thị trường chung.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi nguồn cung trung, cao cấp đang là chủ đạo, tính thanh khoản thấp, thì nguồn cung hợp túi tiền với đại bộ phận người dân sẽ là điểm sáng dẫn dắt thị trường giúp cho tính thanh khoản của thị trường tăng.

Phát triển phân khúc bình dân được hướng tới

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, hiện nay trên thị trường Hà Nội, phân khúc biệt thự và nhà liền kề, phân khúc nhà ở thấp tầng đang đứng ở mức giá cao.

Vào năm 2023, nếu không có các sản phẩm giá phù hợp, pháp lý dự án không được đẩy nhanh để có nguồn cung thì tính thanh khoản tại phân khúc biệt thự - nhà liền kề vẫn là một trong những điều cần phải giải quyết.

Trên thị trường thực sự có quá nhiều sản phẩm căn hộ hạng B, giá trung bình 47 triệu đồng/m2 – đây là mức giá đại diện rất rõ nét cho phân khúc căn hộ hạng B – điều này cho thấy hiện nay trên thị trường thiếu đi sản phẩm vừa túi tiền với nhu cầu người mua. Đây là một trong những vấn đề mà BĐS cần đối mặt, bởi dù còn nhiều sản phẩm nhưng không phù hợp với đại đa số nguồn cầu thì tính thanh khoản, dòng tiền không mạnh được, như vậy sức khỏe của thị trường không thể lên nhanh.

Nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, các chính sách cần được ban hành theo 3 hướng: Thúc đẩy phát triển dự án phù hợp với nhu cầu thị trường; cải thiện dòng tiền cho người vay muanhà ở xã hội,nhà ở bình dân; cải thiện điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông thoáng hơn nhưng vẫn được kiểm soát.

Ông Đính nhận định, nguồn cung của thị trường bất động sản thời điểm đầu năm được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nếu chính sách vĩ mô được điều chỉnh, từ cuối quý I, những dự án phù hợp với nhu cầu như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, vướng mắc ở giai đoạn trước có khả năng sẽ được khơi thông, giúp đưa vào thị trường một nguồn cung mới.

Khi "bắt mạch" thị trường địa ốc, Bộ Xây dựng và nhiều chuyên gia đều chung nhận định, lệch pha cung - cầu đang là nguyên nhân khiến nhà ở chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Các con số tổng hợp cho thấy, nhà ở giá cao đang khó bán, còn nhà giá vừa túi tiền lại gần như vắng bóng. Phát triển nhà ở xã hội đang là định hướng được các doanh nghiệp hướng tới trong những ngày đầu năm mới.